Với tư cách là một agency chuyên về các hạng mục thương hiệu, TELOS thường xuyên nhận được các yêu cầu tư vấn liên quan đến nhận biết thương hiệu. Làm thế nào để thương hiệu hiện lên đầu tiên trong tâm trí khách hàng? Làm thế nào để thương hiệu dễ ghi nhớ? Làm thế nào để thương hiệu trở nên nổi bật trong hàng trăm thương hiệu na na nhau hiện nay? Hi vọng qua bài viết sau, quí khách hàng sẽ có được cái nhìn căn bản nhất về nhận biết thương hiệu – một trong những chi số đo lường quan trọng sống còn trong kinh doanh.
Nội dung
Độ nhận biết thương hiệu là gì
Độ nhận biết thương hiệu đề cập đến mức độ mà khách hàng có thể gợi nhớ hoặc nhận diện một thương hiệu. Độ nhận biết thương hiệu đóng vai trò quan trọng quyết định tới lựa chọn mua hàng của khác hàng. Thông thường, với mỗi danh mục hàng hóa, khách hàng sẽ có trong tâm trí khoảng bảy thương hiệu và sẽ chọn mua một trong ba thương hiệu đứng đầu danh sách.
Để đảm bảo thành công của thương hiệu, độ nhận biết thương hiệu phải được duy trì trong suốt dòng đời sản phẩm – từ khi giới thiệu sản phẩm đến khi sản phẩm bắt đầu suy thoái. Số liệu này được theo dõi một cách chặt chẽ, nếu không đạt mức định sẵn, nhà quản trị phải có các biện pháp nhằm đảm bảo độ nhận biết thương hiệu.
Tầm quan trọng của nhận biết thương hiệu
Độ nhận biết thương hiệu là yếu tố quan trọng giúp hàng hóa của bạn bạn được hay không. Nếu bạn tự tin có sản phẩm tốt, nhưng thương hiệu của bạn lại không nằm trong danh sách bảy thương hiệu hiện lên trong tâm trí khách hàng khi có nhu cầu, thì khả năng cao bạn sẽ không bán được hàng.
Khi nói đến nhận biết thương hiệu, có thể bạn sẽ tưởng tượng đến nhiều thứ phức tạp. Tuy nhiên nó đơn giản hơn nhiều so với suy nghĩ của bạn. Ví dụ như ở Việt Nam, nhắc đến Honda là nhiều người sẽ nghĩ ngay đến xe máy, nhắc đến bột ngọt là sẽ nghĩ ngay đến Vedan, Ajinomoto, nhắc đến nước mắm chắc sẽ là Nam Ngư. Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu này xuất hiện trong tâm trí của khách hàng ngay lập tức, thậm chí cũng chưa chắc các sản phẩm của họ là tốt nhất trên thị trường, nhưng đó là các thương hiệu lâu đời hoặc rất có ý thức xây dựng thương hiệu ngay từ đầu.
Độ nhận biết thương hiệu được xem như là một loại tài sản của thương hiệu giúp tăng lợi thế cạnh tranh và lợi nhuận một cách bền vững.
Đo lường mức độ nhận biết thương hiệu
Có một số cách đơn giản để đo lường độ nhận biết thương hiệu. Ví dụ:
- Yêu cầu khách hàng liệt kê các thương hiệu hiện lên trong tâm trí khi nhắc đến một ngành hàng cụ thể: bột giặt, tivi, xe máy…
- Hỏi xem khách hàng có biết đến thương hiệu hay không: “Bạn có biết thương hiệu Honda?”
- Khách hàng có nhận ra các đặc điểm liên quan đến thương hiệu hay không: logo, slogan, USP…
Thương hiệu nào xuất hiện đầu tiên trong các bài test trên sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh lớn hơn. Thương hiệu nào không xuất hiện sẽ có nguy cơ bị đào thải dù sản phẩm có tốt tới đâu chăng nữa.
Các phương pháp tăng độ nhận biết thương hiệu
Vậy là bạn đã có một số kiến thức cơ bản liên quan đến nhận biết thương hiệu. Sau đây là một số cách để xây dựng, duy trì và gia tăng độ nhận biết cho thương hiệu của bạn.
Thông điệp nhất quán và truyền tải rõ ràng
Mỗi thương hiệu cần một thông điệp thống nhất. Đôi khi thông điệp này nảy sinh bất ngờ trong quá trình hình thành và phát triển thương hiệu. Đôi khi nó là kết quả làm việc của cả một đội ngũ. Thông điệp phải thể hiện được mục đích cũng như tầm nhìn của thương hiệu. Một trong những nơi dễ nhận biết được thông điệp của thương hiệu là slogan. Đó cũng chính là lý do rất nhiều công ty bỏ rất nhiều nguồn lực để hoàn thiện slogan cho thương hiệu.
Tuy thế, slogan không phải là nơi duy nhất thể hiện thông điệp. Mỗi thương hiệu thường gắn liền với nhiều hoạt động khác nhau liên quan đến quảng cáo, PR, hoạt động xã hội, tài trợ… Ví dụ ở Việt Nam, chương trình Đường lên đỉnh Olympia là một chương trình nổi tiếng và có tuổi đời hàng chục năm. Gắn liền với nó là thương hiệu LG. Với một công ty công nghệ như LG, tài trợ cho một chương trình liên quan đến giáo dục là một cách rất hiệu quả để tăng độ nhận biết thương hiệu.
Đầu tư và bộ nhận diện thương hiệu cũng như bao bì sản phẩm
Đầu tư vào nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm cũng là một cách rất hiệu quả để tăng độ nhận biết thương hiệu. Một khi đã quyết định đầu tư vào mảng này, người kinh doanh nên nhận thức được đây là một khoản đầu tư lâu dài.
Chắc mọi khách hàng khó mà quên được bao bì hai con tôm của thương hiệu Miliket Colusa đã trở thành huyền thoại dù đây chỉ là một sản phẩm bình dân. Hoặc không ai là không biết đến logo quả táo – biểu tượng cao cấp và thời trang của hãng Apple. Nếu không có phần nhận diện thương hiệu tốt, sẽ không có được một kết nối nhanh chóng giữa khác hàng và thương hiệu, từ đó độ nhận biết thương hiệu chắc chắn sẽ không đạt hiệu quả như mong đợi.
TELOS cũng từng có một bài viết nói về bộ nhận diện thương hiệu như một công cụ tạo nên sự đồng bộ trong việc ghi dấu với khách hàng. Để đạt được điều đó, bộ nhận diện thương hiệu cần hội đủ năm yếu tố: sự thống nhất, có đường lối, dễ nhận ra, mỗi thiết kế có thể đứng độc lập, đồng thời cũng có thể đứng hòa hợp bên cạnh các thiết kế khác như một chỉnh thể.
Đạt được những yêu cầu trên, bộ nhận diện thương hiệu sẽ giúp định hình và phát triển thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Chiến lược nội dung đa dạng
Với sự phát triển mạng xã hội giống như hiện nay, muốn hay không doanh nghiệp cũng phải bắt tay vào xây dựng các kế hoạch truyền thông nội dung ngắn và dài hạn.
Theo thống kê, người Việt Nam dùng 4 giờ sử dụng điện thoại hàng ngày, chủ yếu là các mạng xã hội như Facebook, Zalo hay các trang nội dung như Youtube… Để ghi dấu ấn thương hiệu trong tâm trí khách hàng, doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất và phân phối các nội dung liên quan đến thương hiệu và phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Đây là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo trong marketing của doanh nghiệp. Do mỗi thương hiệu lại có một đối tượng khách hàng khác nhau, hướng đến một nền tảng khác nhau như Facebook, Zalo, Instagram, Youtube. Với mỗi nền tảng ta lại có các cách triển khai nội dung khác nhau: giveaway, mini contest, tips & trick, podcast, tutorial…
Vấn đề duy nhất trong việc sử dụng chiến lược nội dung đa dạng là phải đánh đúng đội tượng bằng nội đung phù hợp. Với yêu cầu này, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng các đơn vị chuyên về content để cùng chung tay tạo nên những nội dung hữu ích nhất cho khách hàng. Với hiểu biết đa dạng về lĩnh vực và lập kế hoạch chiến lược, các đơn vị này giúp doanh nghiệp có được sự đồng bộ và đảm bảo trong chất lượng content.
Nói tóm lại, để tăng độ nhận biết thương hiệu bằng nội dung, mấu chốt vẫn là có thể sản xuất ra số lượng lớn các thông tin hữu ích, đem đến cho khách hàng hiểu biết cần thiết một cách đều đặn.
Cho khách hàng dùng thử sản phẩm
Dùng thử sản phẩm đặc biết tốt cho độ nhận biết thương hiệu trong giai đoạn mới tung sản phẩm. Với các sản phẩm phần mềm, dùng thử là một hình thức thức phổ biến nhằm khuyến khích người dùng sử dụng sản phẩm. Dùng thử cũng góp phần tạo cảm giác tin tưởng cho người dùng đối với các nhãn hàng sử dụng không gian trong các siêu thị làm địa điểm phát sản phẩm.
Dùng thử kích thích khách hàng trải nghiệm những sản phẩm mới, góp phần đưa sản phẩm vào danh sách các sản phẩm có thể lựa chọn của khách hàng. Theo báo cáo của Nielsen về sáng tạo và đổi mới sản phẩm, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người tiêu dùng sẵn sàng dùng thử sản phẩm mới cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, có đến 88% người Việt cho biết đã mua sản phẩm mới trong khi đi mua hàng, cao hơn 19% so với mức trung bình của khu vực (69%).
SEO
Nếu thương hiệu của bạn đã có một lượng nội dung tương đối khá nhưng vẫn không thể thu hút được nhiều khách hàng như mong đợi. Có thể bạn sẽ cần đến một chuyên gia SEO (Search Engine Optimization). Khác với quảng cáo, SEO mang đến cho bạn một nguồn khách hàng tự nhiên hơn thông qua việc tối ưu hóa các từ khóa tìm kiếm.
Phát triển nội dung mà không đi kèm với SEO đôi khi là một sự lãng phí nguồn lực vì nhiều khách hàng sẽ không biết đến bạn thông qua các tìm kiếm trên Google.
SEO một mặt giúp đưa thứ hạng tìm kiếm thương hiệu, doanh nghiệp lên cao trên trang tìm kiếm của Google. một mặt thông qua các nghiên cứu giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn mối quan tâm của khách hàng, giúp chiến lược nội dung triển khai đạt hiệu quả cao hơn.
Quảng cáo đa nền tàng
Quảng cáo là hình thức duy trì và tăng độ nhận biết thương hiệu rất cổ điển và hiệu quả. Tuy nhiên với sự phát triển của ngành quảng cáo hiện nay, các phương tiện quảng cáo cũng có nhiều thay đổi đa dạng hơn. Khách hàng có thể quảng cáo trên Facebook, Zalo, Youtube, Google… và nhiều nền tảng khác.
Tùy theo từng điều kiện cụ thể, ngân sách quảng cáo cũng có sự thay đổi tương ứng. Khách hàng có thể tự chạy quảng cáo. Tuy nhiên, đối với các chiến dịch lớn, tốt hơn hết khách hàng nên thông qua một agency có chuyên môn cao trong việc chạy quảng cáo.
Mục đích cuối cùng của chạy quảng cáo là khiến nhiều người biết đến thương hiệu hơn, tăng doanh số cũng như độ nhận biết thương hiệu. Do đó kiến thức và hiểu biết của người chạy quảng cáo là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Kết luận
Tóm lại độ nhận biết thương hiệu là một tài sản có giá trị đối với thương hiệu. Độ nhận biết thương hiệu cao chứng tỏ sản phẩm đã ghi dấu ấn vào tâm trí khách hàng. Để duy trì và tăng độ nhận biết thương hiệu, doanh nghiệp cần kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có thể kể đến đưa ra thông điệp nhất quán và rõ ràng, đầu tư vào nhận diện thương hiệu, cho khách hàng dùng thử sản phẩm, tập trung vào nội dung, SEO và quảng cáo đa nền tảng.