Một thương hiệu uy tín, nổi tiếng sẽ thu hút đông đảo khách hàng ở cả thị trường trong và ngoài nước. Chính vì thế, thiết kế thương hiệu trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt trong tình thế cạnh tranh phức tạp như hiện nay. Việc nhận diện, phân biệt sự khác nhau giữa các nhãn hiệu của cùng một loại sản phẩm ít nhiều sẽ gây khó khăn cho khách hàng. Bởi vậy, doanh nghiệp cần có một cá tính riêng, một dấu ấn riêng cho thương hiệu của mình.
Xây dựng thương hiệu đúng cách khiến Vinamilk trở thành thương hiệu sữa hàng đầu
Nội dung
1. Branding/Rebranding là gì?
1.1. Branding là gì?
Branding là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một doanh nghiệp thành công. Đó là ấn tượng đầu tiên bạn tạo cho khách hàng và là điều khiến bạn nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh. Thương hiệu cũng chính là sự phản ánh trực tiếp những gì khách hàng mong đợi ở bạn.
Nói một cách đơn giản, thiết kế thương hiệu không chỉ là thiết kế một chiếc logo. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ, điều quan trọng là phải thu hút và giữ chân khách hàng trung thành và thương hiệu sẽ làm được điều đó.
Thương hiệu không chỉ là logo
1.2. Rebranding là gì?
Rebranding (tái định vị thương hiệu) là một chiến lược nhằm tái tạo lại cá tính mới cho doanh nghiệp, trong đó có thể bao gồm một hoặc tất cả hạng mục: đổi tên, thông điệp, logo hay các thiết kế vật phẩm… Chiến lược này góp phần thay đổi nhận thức, định vị lại vị trí thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng và trên thị trường.
Chính vì thế, rebranding sẽ là lựa chọn hợp lý nhất cho những doanh nghiệp có ý định thay đổi chiến lược kinh doanh nhằm tiếp cận nhóm khách hàng mới, truyền thông các giá trị và sứ mệnh thương hiệu mới. Hay khi “bộ áo” thương hiệu doanh nghiệp không còn phù hợp và cần “nâng cấp”…
2. Tại sao doanh nghiệp cần branding?
2.1. Là yếu tố quyết định khi khách hàng ra quyết định mua sản phẩm
Thương hiệu thường là yếu tố quyết định đối với người tiêu dùng khi đưa ra quyết định mua hàng. Trên thực tế, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng từ các thương hiệu mà họ biết hoặc có trải nghiệm tích cực. Do đó, sở hữu một bộ thiết kế thương hiệu nổi bật sẽ là điểm cộng lớn giúp “lôi kéo” khách hàng đến với bạn.
Điều này đặc biệt đúng đối với phương tiện truyền thông xã hội. Theo Sprout Social, khi nghiên cứu 1000 người tiêu dùng và 1000 marketers, 89% người tiêu dùng nói rằng họ sẽ mua hàng từ một thương hiệu mà họ đã theo dõi trên mạng xã hội. Khách hàng sẽ cảm thấy an toàn hơn khi mua hàng từ một doanh nghiệp mà họ đã biết. Do đó, sở hữu một thương hiệu độc đáo và dễ nhận biết sẽ giúp bạn có chỗ đứng trong trái tim khách hàng.
Thương hiệu là yếu tố chính quyết định khách hàng có chi tiền cho sản phẩm hay không
2.1.1. Cung cấp một cá tính riêng cho doanh nghiệp
Thương hiệu mang đến cho doanh nghiệp của bạn một cá tính riêng thay vì chỉ tập trung kinh doanh, bán các sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp không nên chỉ dừng lại với một cái tên, đặc biệt nếu bạn phát triển sứ mệnh thương hiệu tách biệt với các sản phẩm của mình.
Theo một bản khảo sát từ 1000 người Mỹ của Customer Thermometer, nếu thiết kế thương hiệu chia sẻ cùng những giá trị đó với người tiêu dùng thì khả năng họ chi trả cho sản phẩm và dịch vụ của bạn sẽ tăng lên từ 31% đến 51%.
Chính vì lan tỏa câu chuyện thương hiệu mà người tiêu dùng mong muốn, hiệu quả “marketing truyền miệng” cũng vì thế mà tăng lên, đó là lúc khách hàng chia sẻ câu chuyện của bạn đến bạn bè, người thân hay người quen. Theo nghiên cứu từ Sprout Social, “marketing truyền miệng” có thể tăng hiệu quả chiến dịch marketing của doanh nghiệp lên đến 54%.
OMO xây dựng các sản phẩm theo triết lý thương hiệu “Dirt is Good”
2.1.2. Tạo sự khác biệt trong thị trường bão hòa
Khó có thể định lượng được hiện nay có bao nhiêu thương hiệu trên toàn cầu, nhưng chắc chắn đấy là một con số khổng lồ. Do đó, việc sở hữu một bộ thiết kế nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp sẽ giúp bạn trở nên nổi bật giữa đám đông và đạt được lợi thế trong thị trường ngày càng cạnh tranh hiện nay.
Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu giúp bạn trở nên khác biệt bạn so với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong những ngành ít có sự khác biệt như thời trang, thực phẩm… Nếu có một bản sắc, cá tính riêng, bạn vẫn có thể cung cấp những sản phẩm tương tự đó, nhưng tính cách thương hiệu độc đáo và danh tiếng của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định thỏa thuận mua bán.
Trong thị trường bão hòa, nếu không tạo được khác biệt, doanh nghiệp rất dễ bị đào thải
2.2. Duy trì được sự nhất quán trong thiết kế thương hiệu
2.2.1 Giảm thiểu chi phí và thời gian về lâu dài
Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề tài chính luôn được chú trọng. Việc xác định điều quan trọng và ý nghĩa nhất với công ty ở hiện tại và tương lai là cần thiết. Và dù phương án không xây dựng thương hiệu có vẻ tiết kiệm và thuận tiện nhất hiện tại nhưng trên đường dài sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh.
Không có một thương hiệu nhất quán, công ty sẽ phải thay đổi chiến lược, logo, thông điệp hay website nhiều lần cho đến khi hoàn toàn thỏa mãn với nó. Tính về lâu dài, bạn sẽ tốn nhiều tiền bạc và thời gian cho những thay đổi hơn so với việc có được nền móng tốt ngay từ đầu. Và việc thay đổi thường xuyên cũng không tốt trong việc nâng cao sự trung thành của khách hàng.
Có một thương hiệu nhất định giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc
2.2.2. Tăng hiệu quả và thuận tiện cho những chiến dịch tung sản phẩm tiếp theo
Khi thiết kế một thương hiệu nhất quán, các nỗ lực kinh doanh trong tương lai sẽ có một hướng đi rõ ràng để phát triển. Dẫn đến việc mất ít thời gian hơn khi tìm cách thể hiện sản phẩm, đồng thời có nhiều thời gian hơn để đảm bảo chất lượng cho nội dung, sản phẩm và trải nghiệm bạn mà khách hàng mong muốn.
Bên cạnh đó, duy trì được sự nhất quán trong trải nghiệm khách hàng, doanh nghiệp sẽ thu thêm được một nhóm khách hàng trung thành. Trong bài báo cáo của Qualtrics XM Institute về ROI của trải nghiệm khách hàng năm 2019, 94% người tiêu dùng sẽ quay lại một thương hiệu mà họ có trải nghiệm “rất tốt” và 83% sẽ sử dụng lại thương hiệu mà họ có trải nghiệm “tốt”.
Lợi ích khi xây dựng thương hiệu nhất quán:
- Thương hiệu được khách hàng để ý nhiều hơn 3,5 lần.
- Doanh thu có thể tăng đến 33%.
- Xây dựng nhóm khách hàng trung thành (57% người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho thương hiệu họ trung thành).
- Thương hiệu nhất quán làm tăng danh tiếng và uy tín công ty.
Sự nhất quán trong thương hiệu giúp ích doanh nghiệp rất nhiều
2.3. Nâng cao chất lượng nhận sự
Thiết kế thương hiệu chuyên nghiệp không chỉ đem lại những lợi ích từ góc độ doanh thu và khách hàng, nó cũng tác động đến tinh thần làm việc và tuyển dụng của nhân viên nội bộ. Hãy xem xét các số liệu thống kê này từ LinkedIn Business năm 2016 sức ảnh hưởng của một thương hiệu rõ ràng đến vấn đề nhân sự:
- Các thương hiệu nổi tiếng có thể giảm tới 50% chi phí đào tạo.
- 72% các nhà lãnh đạo tuyển dụng trên toàn thế giới nói rằng thương hiệu nhà tuyển dụng có tác động đáng kể đến việc tuyển dụng.
- 50% nhà tuyển dụng cho biết có nhiều ứng viên đạt yêu cầu hơn.
- Thương hiệu mạnh đi kèm với việc giảm 28% tỉ lệ đào thải nhân viên.
- Việc xây dựng thiết kế thương hiệu không nhất quán được phát hiện là sẽ khiến nhân viên e ngại và có ít động lực làm việc hơn.
Từ đó có thể thấy rằng thương hiệu giúp định vị doanh nghiệp là một nguồn uy tín, khiến nhân viên cảm thấy như họ đang làm việc cho một điều gì đó lớn lao và ý nghĩa. Họ tự hào về việc đại diện cho thương hiệu và doanh nghiệp, sẵn sàng làm việc bền bỉ để làm hài lòng khách hàng.
Một thiết kế thương hiệu tốt có thể nâng cao chất lượng nhân sự công ty
3. Tại sao doanh nghiệp cần rebranding?
3.1. Phân khúc khách hàng không còn phù hợp
Khi bắt đầu kinh doanh, nhiều doanh nghiệp chưa tính kỹ đến phân khúc dẫn đến việc chọn sai, hay trong một số trường hợp thậm chí còn không chọn phân khúc. Ví dụ, công ty hướng đến phân khúc cao cấp nhưng sản phẩm lại có ngoại hình “hơi bình dân” sẽ khó tiếp cận với nhóm khách hàng cao cấp, ngược lại, khách hàng mục tiêu cũng ít bị thu hút bởi sản phẩm.
Với sai lầm đấy, bạn phải lựa chọn lại phân khúc và định vị lại thương hiệu sao cho phù hợp với phân khúc đã chọn. Chọn đúng phân khúc là một thử thách nhưng nếu qua loa, chọn sai, công ty sẽ khó phát triển và duy trì lâu dài. Việc đánh đổi thời gian và công sức để tái định vị hay tái thiết kế thương hiệu là cần thiết trong trường hợp này.
4 khái niệm để xác định rõ phân khúc thị trường
3.2. Sứ mệnh của công ty thay đổi
Sứ mệnh, mục tiêu công ty thay đổi chính là lúc thương hiệu cần tái định vị lại và thông báo thị trường rằng thương hiệu đang xây dựng một bộ mặt mới cũng như theo đuổi và phát triển những mục tiêu mới. Khó có thể duy trì doanh nghiệp khi mà sứ mệnh và thương hiệu không còn đồng bộ với nhau.
Viettel là ví dụ điển hình trong trường hợp này. Thông qua các công ty thiết kế thương hiệu, họ thay đổi toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu từ logo, slogan cho đến màu sắc thể hiện đam mê, sức trẻ với màu đỏ đặc trưng của màu cờ tổ quốc hay niềm tự hào dân tộc. Viettel muốn khẳng định họ không còn đơn giản là một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà sẽ là công ty với sứ mệnh “Tiên phong kiến tạo xã hội số”.
Viettel tái định vị với thiết kế thương hiệu trẻ trung, năng động
3.3. Giữ thế độc tôn trên thị trường mục tiêu
Khi một thương hiệu khai sinh, phát triển và duy trì trong một thời gian và đạt đến một ngưỡng nhất định, họ sẽ gặp nhiều khó khăn với duy trì danh tiếng thương hiệu đó trong tương lai đặc biệt trong tình thế ngày càng nhiều thương hiệu ra đời và nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi liên tục. Chính vì thế, để cạnh tranh được trong thị trường đang bão hòa thì rebranding là cần thiết.
Doanh nghiệp phải kết hợp nhiều phương án cùng một lúc, từ đổi mới dòng sản phẩm, thay đổi hình ảnh, khách hàng mục tiêu hay tông giọng và các yếu tố khác về cá tính thương hiệu để xoay chuyển tình hình. Bên cạnh đó, việc thường xuyên cập nhật xu hướng là việc cần thiết để giữ cho thiết kế thương hiệu không bị lỗi thời.
Trong những năm 1920 của thế kỷ trước, Gucci là thương hiệu cung cấp phụ kiện cưỡi ngựa và vali cho thuộc địa. Nhưng sau Thế chiến Thứ hai, nhu cầu của khách hàng lại có xu hướng đổi sang những trải nghiệm xa xỉ, đẳng cấp trong chính những trang phục hàng ngày. Họ không để bản thân dừng lại phía sau mà nỗ lực tái định vị lại thương hiệu cho gần hơn với khách hàng yêu thời trang.
Gucci tái định vị lại thương hiệu theo sự thay đổi của thị trường
Thiết kế thương hiệu gần như là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tiến xa, vì đây là chiến lược mang tính vĩ mô với nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, xây dựng một thương hiệu nhất quán không chỉ giúp đem lại lượng khách hàng mục tiêu mới mà còn xây dựng được nhóm khách hàng trung thành, nâng cao chất lượng nhân sự và thúc đẩy gia tăng lợi nhuận.