Kinh nghiệm và bối cảnh

Tư duy đa tầng phát sinh không phải một sớm một chiều, mà là một thứ được đặt tên sau khi đã hình thành qua một chuỗi thực nghiệm lâu dài.

Mình mở TELOS Academy tới giờ được 2 năm, trước đó thì nó chỉ là một chuỗi khoá đào tạo một vài khía cạnh trong UI/UX Design của TELOS Agency. Trộm vía mau ăn chóng lớn và tập trung vào những điều khá cốt lõi nên đây là một business mình khá vững vàng và tự tin. Chắc trong khoảng thời gian tới có thể cháu nó sẽ tự đứng trên đôi chân riêng, về cả mặt pháp nhân, quy trình, nhân sự… chứ không còn là một phần của cái chung TELOS nữa.

Giờ đây khi bố cục của lộ trình đào tạo UI/UX Designer đã gần như hoàn thiện với đầy đủ các lớp để phục vụ cho những chặng khác nhau của một bạn trẻ mới vào nghề, đồng thời tạo ra một cảm giác “no đủ cho người học” về mặt chuyên môn, mình mới dám tự tin nói về một quy trình suy nghĩ mà mình đã đi qua để tạo dựng nên cái giáo trình đó. Mình nhận ra những gì mình đã hệ thống lại có thể sẽ tạo ra một khía cạnh tiếp cận thật sự mới và hay ho cho nhiều người, nhất là những ai đang ấp ủ ý định tạo dựng một mô hình giáo dục. Vậy nên mình đem khoe nó một cách đầy tự hào.

Những điều trong bài viết này có thể đã từng được tổng hợp hoặc có những điểm tương tự một lý thuyết khác nào đó, mình cũng không dám chắc nó độc nhất. Tuy nhiên trong quá trình xây dựng mình cũng không nhìn quanh quá nhiều để tìm hiểu mà chỉ toàn thực nghiệm để đi tiếp. Nếu có những thông tin tương đồng thì mong mọi người chia sẻ nó thêm để mình biết nha.

Tư duy đa tầng là sao?

Tư duy…

Trước tiên hãy nói về định nghĩa về tư duy của mình. Tư duy (mindset) với mình như là một cái trạm điều phối các thông tin trong việc hình thành nên giải pháp cho một vấn đề gì đó. Trong mỗi loại lĩnh vực, mỗi cá nhân thường hình thành nên một kiểu tư duy để cứ mỗi khi một đề bài, một loại công việc xuất hiện người đó sẽ có lối đi tìm giải pháp. Càng nhiều người chọn cùng một mẫu hình tư duy, nó sẽ dần dần hình thành nên tiêu chuẩn của cộng đồng. Tư duy càng tốt, người ta càng dễ tìm được cách để điều phối các hành động về phía có giải pháp.

Những cụm từ hay nghe cũng phần nào khái quát các hiện tượng xảy ra khi vận dụng tư duy. Như “tư duy theo lối mòn” là để chỉ việc người ta có quá ít các kiểu cách tìm giải pháp trong đầu nên đôi khi cứ bị bí lối khi gặp một vấn đề mới. Hoặc như “tư duy mở” là kiểu sẵn sàng dung nạp thêm những hướng đi bên ngoài cái mình đang có sẵn và luôn chuẩn bị để đi về phía đó miễn là nó tạo ra giải pháp cho vấn đề.

Mô hình cơ bản của tư duy đa tầng

…đa tầng – và tại sao phải có “tư duy đa tầng”?

Nếu chỉ dùng một cụm chung “tư duy” như trên để nói về hầu hết các cách tìm giải pháp cho vấn đề trong một lĩnh vực, nhất là khi lĩnh vực đó càng lúc càng phức tạp hơn, thì nó bị đơn giản quá. Khi đơn giản thì khó phân chia, khó đóng gói lại để truyền đạt đi xa.

Giả dụ như câu hỏi hay gặp của những người mới vào lĩnh vực, các bạn hỏi “biết sử dụng figma thì đã có thể làm UI/UX đúng không ạ?” hay “mình có lớp nâng cao không? em muốn học nâng cao vì em đã từng học qua một lớp công cụ rồi ạ“. Trên đây là những câu hỏi khiến người được hỏi khó lòng mà trả lời chính xác nếu không có một cách phân tầng các nhóm tư duy phù hợp.

Mình phân tầng các loại hình tư duy trong một lĩnh vực chuyên môn vì mình nghĩ nó cần có để giúp quy hoạch các lộ trình đào tạo. Việc đào tạo kỹ năng làm ra một sản phẩm sẽ không hay nếu ta cứ làm từng bước thế nào trong thực tế thì mang ra dạy như thế đó. Đào tạo phải là câu chuyện lan toả từ cốt lõi, hoặc là câu chuyện của sự leo tầng của tư duy.

Phân nhóm tư duy đa tầng

Vậy giờ phân tầng, phân chia cái “tư duy đa tầng” kia sao giờ?

Mình chia làm 3 nhóm theo thứ tự từ nền tảng đến tầm nhìn cao cấp. Các cấp khác nhau sẽ để đi giải quyết các kiểu vấn đề khác nhau. Trong thực tế, một người làm nghề sẽ phối trộn nhiều kiểu tư duy khi cần dùng để giải quyết vấn đề. Đó là việc của thực tiễn, còn trong lúc phân loại thì mình muốn nó phải rõ ràng. Và nó sẽ là:

Các nhóm kỹ năng phân bổ vào tư duy đa tầng

– Nhóm nền tảng gọi là “hạ tầng”, đây sẽ là nhóm tư duy dựa trên công cụ chính yếu của lĩnh vực. Hiểu công cụ, tìm cách dùng công cụ tối ưu giúp bạn thao tác để giải quyết vấn đề thật tốt.

– Nhóm trung tầng là những hiểu biết về chuyên môn, về các luật chơi cần có để trở thành một “chuyên gia” trong lĩnh vực của bạn. Mình tạm gọi nó là tư duy chuyên môn.

– Nhóm thượng tầng, là tư duy nhìn thấy sản phẩm mình tạo ra cũng như cách mang nó tạo giá trị ra môi trường xung quanh.

Giờ chúng ta hãy cùng nhìn sâu vào từng nhóm để thấy thật sự chúng nó có gì bên trong nha.

Hạ tầng: Tư duy công cụ – hơn cả kỹ năng sử dụng công cụ

Nhập môn của bất cứ lĩnh vực nào thường thông qua việc làm quen với công cụ của nó, dễ hiểu thì giống như để lên được đường cao tốc chạy xe thì bạn phải có chiếc xe, biết lái xe là điều tiên quyết.

Một trong những điểm hay gặp phải trong quá trình hấp thu nhóm kiến thức ở tầng này là “biết xài công cụ” sẽ khác với có “tư duy sử dụng công cụ“, và điều này đôi khi chính là mấu chốt của vấn đề đào tạo căn bản. Đào tạo ra người có kỹ năng sử dụng công cụ không khó, nhưng đào tạo người có tư duy trong việc sử dụng công cụ chính là việc cốt lõi để có cho thị trường một người thạo việc.

Tư duy công cụ – hạ tầng cơ sở

Đôi khi trong một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, công cụ cũng sẽ được tạo ra với các bố cục, hình thức tiện dụng nhất từ những kinh nghiệm đã trải qua. Nó vì vậy là một biểu hiện của tư duy mà cộng đồng những chuyên gia đang tổng hợp ra. UI/UX là một ví dụ như thế.

Như khi bắt đầu với việc giảng dạy ở tầng tư duy này, Figma với mình không đơn thuần là một công cụ, nó là một “ngôn ngữ”, cách giao tiếp của một UI/UX designer với môi trường xung quanh. Học công cụ trong tình huống như này có nhiều nét tương đồng với học ngôn ngữ. Tiếp cận với công cụ theo góc nhìn đó khiến việc học sử dụng công cụ không còn chỉ đơn thuần là cầm lấy nút A này và bấm để vẽ ra một element gì đó, mà là hiểu lý do vì sao các nhóm công cụ lại được quy hoạch như đang có và việc sử dụng những nhóm công cụ phù hợp vào đúng chỗ cần.

Học cách xài một công cụ là biết cách lấy nó để tạo ra những thành phần của sản phẩm, còn học “tư duy công cụ” là chuẩn bị cho hướng đi để tìm thấy giải pháp với những công cụ mà mình đang có.

Trung tầng: Tư duy chuyên môn – hiểu cái mình làm, hiểu luật chơi của lĩnh vực

Nắm được tư duy công cụ rồi thì tiếp theo người học cần có một cái cảm nhận về lĩnh vực mình làm, từ nông đến sâu. Cái này mình gọi là tư duy chuyên môn.

Bề mặt nhất, cần hiểu là có các vai trò nào trong lĩnh vực của mình, họ đang làm những điều gì và có những yêu cầu gì cho các vị trí đó. Những câu hỏi hay gặp nhất ở thời điểm này là “UI là gì?” UX là gì?” “Làm UX Research là làm gì?”… hoặc những câu tương tự vậy để tìm kiếm các mô tả về khái niệm. Hướng giải pháp đơn sơ nhất khi đụng phải vấn đề chuyên môn chính là… chạy đi tìm đúng người có năng lực phù hợp để nhờ họ làm. Bước tiếp theo mới là trở thành chuyên gia.

Tư duy chuyên môn – trung tầng kỹ năng

Và giờ mới là tìm đường trở thành chuyên gia.

Với mình tư duy chuyên môn cũng như một bộ luật chơi của lĩnh vực. Ở một chút đào sâu hơn lớp bề mặt, bạn cần tìm cách để thoả mãn những yêu cầu đầu tiên để có thể tham gia vào lĩnh vực, làm ra một sản phẩm đạt tiêu chí mà thị trường đang cần, cao hơn sẽ là tạo ra những sản phẩm với chất lượng chuyên môn cao trên từng khía cạnh mà lĩnh vực yêu cầu.

Song song đó đương nhiên là quá trình rèn luyện để xử lý các vấn đề đòi hỏi chuyên môn mà mình đã nhận ra. Tư duy có thể tồn tại trong tâm trí người học nhưng muốn chứng minh được nó thì phải thông qua các vấn đề được họ giải quyết. Các bài tập, thực hành kỹ năng vì thế mà phải xuất hiện trong quá trình học tư duy.

Một khoá học đào tạo nghề có thể khiến tư duy chuyên môn xuất hiện trong suy nghĩ của các bạn học viên là một khoá đào tạo tốt. Nó sẽ có nhiều cơ hội tạo ra chất lượng đầu ra tốt hơn. Khoá học được tổ chức khoa học, có cả thực hành để chứng minh sự nắm vững tư duy, sẽ là một khoá học xuất sắc.

Thượng tầng: Tư duy sản phẩm – cái mình tạo ra và sự kết nối với vạn vật ngoài kia

Đã có cách sử dụng công cụ thuần thục (tư duy công cụ), đã quen thuộc với cuộc chơi của lĩnh vực và các giá trị được dùng để đong đếm mức độ lành nghề (tư duy chuyên môn), phần tiếp theo của câu chuyện để trở thành một chuyên gia toàn diện là hiểu được vị trí của sản phẩm mình tạo ra so với thị trường ngoài kia. Ở nấc này là câu chuyện xử lý các vấn đề đòi hỏi tính giải pháp cho chủ đề, hiểu biết tổng hợp và vận dụng linh hoạt, hay nôm na hơn là “làm sao để tạo ra sản phẩm tốt?“. Người học xác định bản chất sản phẩm, mục tiêu tồn tại của nó, cách nó tạo ra giá trị và điều gì khiến nó khác biệt…

tư duy sản phẩm – thượng tầng định hướng

Mỗi nhân sự chuyên môn về bản chất đều sẽ là một phần của một sản phẩm kinh doanh, hay rộng hơn nữa là một phần của chuỗi giá trị. Vậy nên việc tư duy để tạo ra sản phẩm tốt là một bài toán chung cần người giải vừa có khả năng hiện thực ra nó, vừa hiểu biết tổng hoà để đem đến một cách đi tìm giải pháp phù hợp.

Tư duy thượng tầng này xem sản phẩm như một đối tượng mà người học cần hiểu rõ, và liên tục vận động để đi tìm ra những con đường tạo lập ra một sản phẩm tốt, vì vậy người tiếp xúc với nó buộc phải chịu mở ra nhiều lĩnh vực liên quan chứ không chỉ ở mãi cái chuyên môn của mình. Thú vị là đôi khi những điều này nghe có vẻ như là kiến thức dành cho nhóm các trưởng bộ phận hoặc lãnh đạo công ty, nhưng người mới bắt đầu học khi được gieo tư duy này vào suy nghĩ cũng sẽ cho ra những sản phẩm tốt hơn.

Soi chiếu vào trường hợp thực tiễn – TELOS Academy

Với người có đủ kỹ năng tìm tòi và năng lực học tập cao thì họ không quá quan trọng việc đó, cứ học thôi là sẽ chuyển hoá tốt. Tuy vậy, thị trường ngoài kia đầy những người học đầy tiềm năng chỉ cần một phương pháp phù hợp để khả năng của họ toả sáng. Tư duy đa tầng có thể chính là hướng đào tạo tìm kiếm giải pháp tốt cho vấn đề này.

Điểm may mắn của TELOS Academy đó là quá trình xây dựng hệ thống giáo trình của trung tâm xuất phát theo trục thuận chiều của tư duy đa tầng leo dần lên cao. Điều này đến nay ngồi lại thì có thể khái quát thành một lộ trình thành công nhưng thật ra ở thời điểm đó chúng mình dựa trên nguồn lực đang có và đưa ra những lựa chọn an toàn là chính.

Khi ở thời điểm bắt đầu chúng mình quyết định khởi động với việc đào tạo tư duy công cụ và đạt được những thành tựu nhất định với nó. Thật tuyệt vời, TELOS gãi đúng chỗ ngứa của thị trường khi thay vì tạo ra một giáo trình chung chung như “UIUX nhập môn” hay một giáo trình chỉ tập trung dạy cách “cầm chuột cùng Figma”. Khoá học tạo nên một lứa học viên chất lượng, hiểu vấn đề, lại còn truyền cảm hứng. Quả một cái bệ đỡ vững vàng và cả một cái đà thật lý tưởng.

Hệ thống đào tạo UI/UX tại TELOS Academy trên mô hình tư duy đa tầng

2022, mình mở các lớp ở tầng tư duy chuyên môn, vì mình biết nhu cầu của các bạn học viên cao hơn nhiều so với một lớp nền công cụ đơn thuần, dù nó rất vững chãi. Lớp UI Foundation và UX Nhập môn xuất hiện với những giảng viên được “ngắm nghía” cho phù hợp với yêu cầu. Các khoá học tạo thành chuỗi lộ trình và một bức tranh chung của lĩnh vực cho người học được thấy một cách bao quát, theo đó là những yêu cầu rất rõ rệt để người học có thể sẵn sàng chuẩn bị khi bước ra.

Đầu 2023, nhóm tư duy thượng tầng xuất hiện với 2 khoá cung cấp kiến thức tập trung vào các sản phẩm của lĩnh vực này là website và application. Câu chuyện của khoá học không chỉ tập trung vào việc làm sao để vẽ ra một chiếc giao diện, mà rõ ràng hơn: “làm sao để tạo ra một trang web đạt tiêu chuẩn/ một mobile application giúp ích được cho người dùng?

Cuối cùng, mình cắm lên trên ngọn của lộ trình kể trên một lớp học kỹ năng teamwork với coder. Đây không phải là một kiến thức thuộc tư duy cao tầng hơn, nó giống như “hậu truyện” của một bộ phim điện ảnh khi người xem được hiểu rằng đầu ra của những thiết kế của mình sẽ đi về đâu và được xử lý thế nào.

Cách xây dựng lộ trình đào tạo theo M.V.P.

Trong lĩnh vực digital product có một khái niệm khá hay và có tính ứng dụng đa lĩnh vực, đó là Minimum Viable Product (M.V.P.)

M.V.P. là phiên bản tối thiểu nhất về cả giao diện, chức năng v.v… của một sản phẩm, ứng dụng hoặc dịch vụ, được thiết kế để thu hút sự phản hồi sớm nhất từ người dùng hoặc khách hàng mục tiêu. Người ta tạo ra phiên bản M.V.P. là để xác định nhu cầu thực sự của khách hàng và nhận phản hồi với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất, trước khi đầu tư thêm nguồn lực vào việc phát triển sản phẩm đầy đủ.

Như nào mới ra dáng M.V.P.?

Một trong những câu hỏi hay gặp nhất của học viên đó là “học xong bao nhiêu lớp thì có thể làm ra sản phẩm/có thể bắt đầu vào dự án/bắt đầu xin việc?”. Câu trả lời làm nhiều bạn khá ngạc nhiên khi đó là ngay sau một lớp công cụ đầu tiên.

Đào tạo ra các bạn học viên có thể làm ra sản phẩm ở ngay giai đoạn ban đầu khi chỉ mới học qua một lớp về công cụ có thể không? Có chứ! Và đó chính là cách mà TELOS Academy vận hành các khoá học của mình. Phương pháp cấu trúc khá giống với cách người ta xây dựng một M.V.P., bí quyết không có gì quá ghê gớm, đó là…

Hãy hoàn thành cái đơn giản, chứ đừng làm ra một phần của sự hoàn hảo

Nói khái quát và hình học hoá ra thì, chuyện xây dựng một cái kim tự tháp có thể bắt đầu bằng việc xây một cái kim tự tháp nhỏ hơn và cứ thế, bồi đắp dần thêm các lớp vật chất để nó càng lúc càng to ra. Về mặt ước lệ tương đương, đây chính là việc hoàn thiện sản phẩm của mình sau khi nhận thêm những lớp tư duy cao tầng hơn. Sản phẩm không to ra, không phình lên về mặt vật lý, nó chỉn chu hơn, quy trình chặt chẽ hơn và nó tiệm cận thực tế hơn.

Sau những nấc rất sơ khởi khi bước vào lĩnh vực thì thật ra các bạn đã có thể làm được một sản phẩm rồi. Một sản phẩm dù nhiều lỗi, chỉ thể hiện được ý tưởng nhưng nó chính là bước thử nghiệm đầu tiên. Rõ ràng thị trường sẽ không chấp nhận một sản phẩm như vậy, nhưng lớp học thì có, và một trong những mục tiêu của việc học là để được sai và được sửa mà.

Sản phẩm của một bạn học viên sau khi kết thúc khoá hạ tầng công cụ, và sau đó là khoá tư duy sản phẩm

Rất nhiều bạn học viên khi kết thúc lớp công cụ Figma thôi là đã có cho mình những sản phẩm thật sự tốt. Nhưng điều đó có thể đến từ việc bạn đã có cho mình những tư duy thẩm mỹ, biết cách tìm kiếm các ví dụ hay để làm theo, chứ khoá học không chủ đích truyền dạy điều đó. Bởi thế, đó là những case mình không cảm thấy quá đặc biệt, vì khoá học chỉ là cái trợ lực cho tiềm năng dồi dào của bạn.

Mình đặc biệt thích những bạn có bài làm hơi ngô nghê ở lớp đầu tiên, nhưng kiên trì và tạo ra những đồ án chất lượng ở lớp về tư duy sản phẩm. Và trộm vía, cách đào tạo của TELOS Academy đang tạo ra rất nhiều những bạn như vậy.

Một chút thay đổi cấu trúc tư duy đa tầng cho khớp với mô hình tạo ra các lớp sản phẩm

Mình xoay lại một tí cấu trúc của tam giác tư duy đa tầng ban đầu cho nó phù hợp. Câu chuyện bây giờ vẫn là lấp đầy chiếc tam giác để tạo ra một hành trang kiến thức đầy đủ, không khác, tuy nhiên cách xây lại khác hơn. Và có vẻ điều đơn giản này đang mang lại cho mình khá nhiều hướng đi đáng nhớ.

Kết

Phương pháp tư duy đa tầng mình đang áp dụng cho cấu trúc giáo trình tại TELOS Academy là một điều mình cảm thấy yêu thích khi chia sẻ về câu chuyện đào tạo. Nó tạo ra không chỉ là những học viên chất lượng, mà còn là cảm hứng cho nhiều thứ khác liên đới.

Sau cùng, việc đào tạo các kĩ năng nghề nghiệp nói chung, hay UI/UX nói riêng trong trường hợp này, không phải là đẻ ra một cỗ máy nhân sự, đưa nó vào thị trường và làm đúng như những dòng lệnh. Đó là một chuỗi dài quá trình cung cấp tư duy cho một con người để họ hình thành nên góc nhìn. Và khi gia nhập thị trường công việc, họ sẽ tự tìm lấy giải pháp cho vấn đề mình gặp phải.

Những vấn đề mà có thể chưa từng xuất hiện.